Tin tức & sự kiện
Quản lý bảo trì đường bộ cần sự thay đổi lớn

  Bộ trưởng  Đinh La Thăng yêu cầu đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, tiến tới HĐH công tác bảo trì đường bộ một cách cơ bản. 
 Xác định nguyên nhân khiến bảo trì chưa đáp ứng yêu cầu
Hội nghị Nâng cao chất lượng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được Bộ GTVT tổ chức chiều ngày 23/3 do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và các thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Trương Tấn Viên, Nguyễn Ngọc Đông chủ trì. Đại diện lãnh đạo hơn 40  Sở GTVT, các Khu QLĐB, Hội KHKT Cầu đường VN, Bộ Xây dựng đã tới tham dự và phát biểu.
 
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng công tác quản lý bảo trì đường bộ hiện nay là quá lạc hậu, tính bị động từ phía người thực hiện quá lớn, hiệu quả thấp. Nhiều năm qua, nhận thức về đầu tư cho bảo trì đường sá chưa đầy đủ ngay từ các cấp quản lý nhà nước, khiến bảo trì không được coi trọng và đầu tư rất thấp. 
 
Cụ thể hơn, có đại biểu phân tích cơ chế quản lý đường sá không theo tính chất đặc thù của công tác, không khuyến khích tính chủ động của người thực hiện khiến các hư hỏng của đường sá không được ngăn chặn kịp thời, khối lượng sửa chữa phát sinh lớn. 
 
Việc xây dựng kế hoạch khá xa thực tế do thiếu hệ thống thông tin theo dõi đường sá và thiếu tiền nên làm theo kiểu hỏng chỗ nào sửa chỗ đó chứ không theo quy trình kĩ thuật. 
 
Theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, có tới 66% chi phí bảo dưỡng thường xuyên là chi phí nhân công (không có chi phí ca máy, phương tiện, thiết bị) nên đã,  đang khuyến khích duy tu đường bộ trở thành công trường thủ công. Việc kiểm tra kiểm soát khó và không quyết liệt do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt.
 
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến hệ thống CSHT giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ rất khó khăn. 
 
Sử dụng hiệu quả cao nhất tiền của dân góp vào Quỹ bảo trì 
 
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị ngoài việc thống nhất rằng cần thay đổi công  tác quản lý bảo trì đường bộ còn đưa ra nhiều đề xuất xác thực, tâm huyết cho việc chuyển đổi.
 
Lắng nghe các tham luận và ý kiến của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Đường bộ VN, Vụ Kết cấu hạ tầng, Vụ Khoa học công nghệ, Tài chính, các Sở GTVT, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, Bộ trưởng kết luận: Để thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, đột phá vào xây dựng hạ tầng GTVT làm nền tảng thúc đẩy CNH - HĐH đất nước, công tác quản lý bảo trì hệ thống đường cần phải được hết sức coi trọng. Đặc biệt trong khi đầu tư mới còn rất hạn chế.  
 
Nhanh chóng hiện đại hoá đưa máy móc, vật liệu mới, công nghệ mới vào quản lý bảo trì nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Nhanh chóng hiện đại hoá đưa máy móc, vật liệu mới, công nghệ mới vào quản lý bảo trì nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bộ trưởng nhấn mạnh:  Phải đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ tiến tới hiện đại hoá nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất mỗi đồng tiền của người dân đóng góp vào Quỹ Bảo trì đường bộ và đóng góp vào ngân sách, không được để lãng phí, thất thoát.

Bộ trưởng chỉ đạo cần nhanh chóng tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Đề án Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng bảo trì hạ tầng đường bộ, triển khai ngay trong kế hoạch công tác năm 2012 và các năm tiếp theo. 

Theo đó, Tổng cục ĐBVN giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ. Tách bạch quản lý nhà nước với hoạt động bảo trì đường sá. Việc thực hiện bảo trì sẽ do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Công tác lập kế hoạch quản lý bảo trì cũng phải được thay đổi với kế hoạch  dài hạn hơn từ 3 - 5 năm.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các Bộ ban hành hệ thống văn bản quản lý phù hợp yêu cầu đặc thù công tác, đặc biệt chú ý bổ xung quy định còn thiếu về nguồn tài chính cho kiểm soát thường xuyên và đặc biệt các công trình cầu yếu, công trình lớn có độ kĩ thuật phức tạp. 

Hệ thống định mức đơn giá phải rà soát xây dựng lại theo hướng tiêu chuẩn đơn giá là ca máy cơ giới hoá. Nhanh chóng hiện đại hoá đưa máy móc, vật  liệu mới, công nghệ mới vào quản lý bảo trì nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Uỷ thác tối đa cho lực lượng quản lý bảo trì tại chỗ là các Sở GTVT địa phương. 

Kết thúc hội nghị, một lần nữa Bộ trưởng nhấn mạnh:  "Đổi mới quản lý bảo trì đường bộ phải như một cuộc cách mạng thật sự, phải thay đổi toàn diện, mạnh mẽ ngay trong cách nghĩ, cách làm". 

Phương Anh

 

Tin khác
 Sáng nay (16/5), thăm hỏi CBCNV, người lao động trên công trường cao tốc Đà ...
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về nguồn vốn ...
Chiều ngày 26/2 Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt NamNguyễn Xuân Cường đã có buổi làm ...
  Xung quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm về Quỹ Bảo trì đường bộ, ...
  Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ban hành ngày 13/3/2012 của Chính phủ, chiều 27/3 Bộ trưởng ...